Cứ mỗi mùa đông về, cái rét cắt da của miền Bắc làm người ta nhớ đến tấm áo bông chần đã từng là món đồ đông quý giá nhất của các bà, các mẹ, giúp chở che và ủ ấm. Cùng là áo bông nhưng mỗi chiếc lại phản ánh điều kiện của từng gia đình. Nhà nghèo thì may áo bông bằng vải, nhà giàu thì may bằng nhung, sang nữa thì bằng vải gấm chần bông.
Hoa hậu Trúc Diễm duyên dáng và quý phái trong trang phục áo bông.
Chẳng thế mà trong truyện ngắn “Cái lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam, chiếc áo bông được hiện lên đầy hãnh diện mà người nghèo ít có cơ hội được sở hữu nó.
Ngày nay cũng vậy, dù có rất nhiều lựa chọn, mức sống của người dân cũng tăng lên nhưng dường như người mặc chiếc áo bông cũng đồng nghĩa “khoác” lên mình sự “sang chảnh” rất riêng của người Hà Nội.
Với họ, áo bông không chỉ để giữ ấm trong những ngày gió rét, thể hiện thẩm mỹ mà còn là sự gợi nhớ những hoài niệm về quá khứ. Cũng giống như áo dài, chiếc áo bông không chỉ là thời trang mà còn chuyên chở những câu chuyện văn hóa của Hà Nội và vẫn đang được tiếp diễn ở thì hiện tại bởi các nhà thiết kế nặng lòng với vẻ đẹp truyền thống.
NTK Xuân Thu giới thiệu BST Duyên.
Nhà thiết kế Xuân Thu là một trong những người như vậy. Với tình yêu nghệ thuật, NTK đã luôn làm mới những chiếc áo bông của mình theo cách riêng của chị và đương nhiên nó rất độc đáo và có hồn.
Những chiếc áo như những tác phẩm nghệ thuật được gửi cả tinh thần của người nghệ sĩ và những nghệ nhân làm ra nó. Mỗi chiếc áo bông đều được bố cục, “gieo” màu và đặc biệt là cách chần đầy tính sáng tạo.
Khác với BST áo bông 2016 do Hoa hậu Trúc Diễm thể hiện là những mảng mầu kết hợp với sự nhảy nhót của những chiếc cúc làm điểm nhấn. Năm 2017 cái rét hình như muốn đợi NTK khâu nốt những đường khâu nghệ thuật hao tốn thời gian nhưng đổi lại, mỗi chiếc áo bông là một tác phẩm hoàn toàn không giống nhau.
PV