NTK Việt được Đại sứ Pháp mời trình diễn thời trang tại tư dinh
Adrian Anh Tuấn chơi trội với dàn mẫu "đỉnh"
NTK Nguyễn Công Trí đã tái hiện lại bức tranhthời trang nữ đa diện qua 100 năm chỉ với 9 thiết kế từ thập niên 20 đến thập niên 90. Đây là những sáng tạo chào mừng sự ra đời của quyển “Kinh Thánh Thời Trang” – L’Officiel Vietnam.
Thập niên 20, thời kỳ hoàng kim với trang phục dáng buông lơi, suông thẳng vừa vặn và vùng ngực phẳng, nhằm nhấn mạnh sự tự do và độc lập. Lớp người đại diện cho thập kỉ thời trang này là những nàng Flapper hiện đại, nổi loạn và liều lĩnh: tóc cắt ngắn, những chiếc đầm ngắn bạo dạn với phần eo hạ thấp, hút thuốc lá điếu dài và uống rượu nơi công cộng.
Thập niên 20
Thập niên 30, hình thành quy chuẩn mới cho thời trang: xa hoa, cường điệu và thấm đẫm chất kịch nghệ. Khăn choàng lông thú quý phái và những chiếc mũ thơ mộng và điều không thể thiếu.
Thập niên 30
Thập niên 40, trang phục mang đậm tính công năng, tiện dụng thời chiến. Váy bút chì cứng cáp và đệm vai vuông vắn lấy cảm hứng từ quân đội. Thời trang may đo và chế tác tinh xảo lùi bước, áo quần ready-to-wear sản xuất hàng loạt ra đời nhờ sự phát triển của kĩ thuật và công nghệ.
Thập niên 40
Thập niên 50, Christian Dior nổi dậy chống lại sự khắc khổ bằng chân váy xòe rộng tiêu tốn hàng chục mét vải, vòng eo nhỏ thắt đáy lưng ong và bờ vai tròn trịa gợi nhớ đài hoa. Phong cách New Look ra đời. Sự nữ tính, yêu kiều và phù phiếm quay trở lại.
Thập niên 50
Thập niên 60, Rocks với áo khoác da đen hầm hố bất cần, trong khi mốt thanh lịch, chic và phóng khoáng hơn. Chân váy mini ngắn trên đầu gối của Mary Quant trở thành biểu tượng. Trào lưu Hippie bắt đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ, phản chiến, sống theo chủ nghĩa hiện sinh, hòa mình vào thiên nhiên và tình yêu : quần jeans ống loe và áo nhuộm tie-dye rực rỡ.
Thập niên 60
Thập niên 70: Thời trang trở nên mang tính toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tinh thần du mục và bộ lạc. Trang phục ôm sát cơ thể để tỏa sáng hoàn toàn dưới ánh đèn tiệc tùng. Phong cách hào nhoáng, lòe loẹt và cực kỳ phô trương này mang hơi thở của cuộc cách mạng cởi mở trong những quan điểm xã hội đương thời.
Thập niên 70
Thập niên 80, các thương hiệu thời trang là biểu tượng của sự thịnh vượng. Kênh âm nhạc MTV ra đời, nền công nghiệp âm nhạc, truyền hình và giải trí lan tỏa sức ảnh hưởng của mình vào thời trang một cách rực rỡ và ầm ĩ.
Thập niên 80
Thập niên 90 với sự lên ngôi của chủ nghĩa Tối giản. Phong cách Grunge với tư cách là một nhánh ngầm của văn hóa nhạc Rock phát triển với vẻ ngoài hoang đàng, không chải chuốt, nổi loạn và bất cần. Calvin Klein gây cú sốc lớn trong nền văn hóa tự do Mỹ, bởi những quảng cáo mang hình ảnh phóng khoáng về tình dục.
Thập niên 90
Ngoài các thiết kế tái hiện lịch sử thời trang thế kỷ 20, Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí cũng kết hợp với giám đốc sáng tạo tài năng của L’Officiel Việt Nam – Dzung Yoko để ra mắt một bộ sưu tập đặc biệt đậm chất nghệ thuật.
Nàng thơ của bộ sưu tập là những người phụ nữ không bị cuốn trào lưu tối giản hoặc tôn thờ sự thực dụng trong thời trang. Ngược lại, trang phục của nàng cầu kỳ, hoa mỹ và chỉn chu. Bởi chúng phản ánh lối sống – sự hiểu biết – những thăng trầm nàng đã nếm trải và cả tình yêu.
Chuyến đi đến Châu Âu mùa Thu vừa qua, đã khơi dậy tình yêu mạnh mẽ của Dzung Yoko dành cho vẻ đẹp của nền văn hóa kinh điển này.
Các thiết kế được lấy cảm hứng từ chuyến đi với những cảm xúc và ý tưởng nghệ thuật tạo thành.
Những chi tiết tinh túy của hội họa và kiến trúc Pháp, Tây Ban Nha đã được anh thể hiện lại tài tình trong những thiết kế lần này.
Đây là lần đầu tiên Giám đốc sáng tạo Dzung Yoko cho ra mắt một BST thời trang.
Nàng Thơ của Dzung Yoko là mẫu phụ nữ chọn lựa kỹ càng mọi tiểu tiết của vẻ ngoài về màu sắc, chất liệu, họa tiết.
Những thiết kế ứng dụng giàu cảm xúc từ Dzung Yoko.
Photo: Chanh