Khi dư luận với những ý kiến phản biện rất gay gắt và quyết liệt về Tết cổ truyền và tết Tây, những nhân vật luôn có sự quan tâm đặc biệt dành cho những giá trị văn hóa truyền thống, các nghệ sĩ cũng đã bày tỏ chính kiến và góc nhìn của mình về vấn đề này.
Nghệ sĩ Việt nói gì về việc có nên gộp tết cổ truyền vào tết Tây?
NSND Ngọc Giàu - Không gì bằng Tết cổ truyền
NSND Ngọc Giàu khẳng định không gì bằng Tết cổ truyền. Đối với bà, dịp Tết bà ít khi nhận lời đi diễn vì 3 ngày Tết là thời gian bà cúng kiếng ông bà. Bà nói người Việt Nam phải ăn Tết âm lịch vì đây là cổ truyền của Việt Nam.
NSƯT Kim Xuân - Tết cổ truyền là “chất” của người Việt Nam
NSƯT Kim Xuân chia sẻ: “Những ngày Tết được đi thăm họ hàng, gia đình, thăm viếng gia đình 2 bên, chúc thọ ba má, lì xì cho đám cháu nhỏ và nghe các cháu “rù rì, rủ rỉ”.
NSƯT Kim Xuân cho rằng nếu bỏ Tết cổ truyền thì vào dịp Noel và Tết Tây, người Việt sẽ chỉ còn biết ăn gà quay mà điều đó thì chắc chắn người Việt Nam sẽ không bao giờ quen. Chị khẳng định, mình sẽ không bao giờ từ bỏ Tết âm lịch. Chị ủng hộ Tết cổ truyền vì nó là truyền thống, là chất của người Việt Nam.
Nhạc sĩ Đức Huy – Tôi không muốn con cháu tôi quên Tết
Nhạc sĩ Đức Huy cho rằng: "Việt Nam là 1 trong những nước lái xe gắn máy đông nhất thế giới, phải khi nào chúng ta hết lái xe gắn máy thì chúng ta mới có thể nghĩ đến chuyện quên Tết âm lịch để thay bằng Tết dương lịch. Tết âm lịch đã ăn "vào xương, vào tủy" tôi từ lúc mới có trí khôn đến nay. Với tôi, Tết âm lịch là cái rất đặc trưng, rất Việt Nam mà tôi không muốn con cháu tôi quên"
NSND Hồng Vân - Tết là dịp để con cháu học lễ nghĩa
Nghệ sĩ Hồng Vân chia sẻ, chị là một người mẹ có con đi học nước ngoài, và những ngày Tết chị thật sự mong các con có ở nhà, sum vầy với cái Tết của gia đình.
Với câu hỏi có nên gộp cả 2 cái Tết thành một không, chị nói: “Với cá nhân tôi là không. Tôi rất muốn giữ gìn cái Tết dân tộc, bởi trong cái Tết đó không chỉ là những ngày nghỉ, để mà đi lễ hội hay xả stress mà với tôi nó còn là dịp để con cái cập nhật những hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ, để con cái nhớ về nơi chúng sinh ra có những bản sắc văn hóa như thế nào... Là bà mẹ có 2 con đang theo học tại Mỹ, tôi cũng muốn ngày Tết được sum vầy với con cái nhưng tôi ủng hộ giữ Tết cổ truyền. Trong cái Tết truyền thống, con tôi học được rất nhiều lễ nghĩa của ông bà cha mẹ”.
NSND Hồng Vân chia sẻ, NSND Hồng Vân cũng cho rằng nói Tết cổ truyền ảnh hưởng đến nền kinh tế hay hiệu quả công việc không hoàn toàn đúng, vấn đề nằm ở sự thiếu điều tiết về thời gian, công việc trong từng ngày, từng tháng trong năm chứ không phải chỉ là dịp Tết.
Nhạc sĩ Thế Hiển – Tết ai đi đâu cũng muốn về với gia đình
Nhạc sĩ Thế Hiển chia sự gắn bó cũng như ký ức của ông về ngày Tết: “Từ nhỏ đến lớn, Tết năm nào cũng rộn ràng đến với tôi. Tết âm lịch mang đặc trưng riêng là dịp để tưởng nhớ ông bà, con cái quây quần với cha mẹ, anh chị em chúc tụng nhau, rồi con cháu chúc cho ông bà cha mẹ... Những ngày Tết dù ai ở đâu cũng muốn về với mái ấm gia đình”.
NSƯT Bảo Quốc: Bỏ Tết là không nhớ ông bà – cha mẹ
Sau thời gian sống tại nước ngoài, dịp Tết này, NSƯT Bảo Quốc đã tranh thủ về Việt Nam để đón Tết cùng với con cháu.
Chia sẻ về việc có nên chăng gộp Tết cổ truyền vào Tết Tây, NSƯT Bảo Quốc nói: “Cái Tết là sự thiêng liêng, tình cảm của ông bà. Chẳng lẽ bây giờ mình bỏ, vô tình mình không nhớ tới ông bà, cha mẹ hay sao?” Từ thời tổ tiên cho đến bây giờ vẫn đón Tết âm lịch. Ngày Tết âm lịch của gia đình Bảo Quốc có điều này đặc biệt là vào ngày mùng 1, tất cả thành viên trong gia đình sẽ tề tựu về cùng một nhà và cùng dùng cơm trưa, sau đó mọi người sẽ mừng tuổi nhau. Điều này đã ăn sâu vào huyết quản của Bảo Quốc. Gần đây, Bảo Quốc cũng có nghe dư luận râm ran về việc gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch. Bảo Quốc nghĩ nên chăng mình cứ giữ như từ trước đến nay, bởi Tết là thiêng liêng là tình cảm của ông bà, cha mẹ. Bây giờ mình bỏ đi, chẳng lẽ mình không nhớ tới ông bà cha mẹ nữa sao? Thôi thì ai làm gì thì làm, riêng Bảo Quốc Tết dương lịch vẫn vui với thế giới, riêng cái Tết âm lịch của Việt Nam vẫn ở trong lòng của Bảo Quốc”
NSƯT Vũ Thành Vinh: Muốn hòa nhập cần phải có bản sắc
NSƯT Vũ Thành Vinh cho rằng Tết không chỉ là thời khắc sum vầy, đoàn viên mà còn là động lực để mọi người phấn đấu cho những mục tiêu trong cuộc sống. Anh cũng cho rằng sở dĩ có nhiều ý kiến đề xuất việc gộp Tết ta vào Tết Tây là vì những biến tướng của các lễ hội trong dịp Tết và việc vui chơi thiếu kiểm soát...
Anh khẳng định Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập nên cần phải “gạn đục khơi trong”, thay đổi những gì không còn phù hợp nhưng Tết cổ truyền là Tết của quê hương cần phải gìn giữ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đây vừa là bài toán kinh tế vừa là bài Toán văn hóa
Nhà sử học nổi tiếng Dương Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm về việc này: “Việc chọn lựa giữa Tết Tây và Tết Ta vừa là bài toán về kinh tế vừa là bài toán về văn hoá, giữa bảo tồn và phát triển phải chọn bảo tồn cái gì để mà phát triển và phát triển cái gì để vẫn bảo tồn được những giá trị tốt...”.
Băng Châu (Ghi)
Ảnh & Clip: Khang Media