“The wizard of Oz” (1939)
Trước khi chính thức được cho ra mắt khán giả, dự án điện ảnh của Victor Fleming đã huy động được một đội ngũ sản xuất hùng hậu với 5 đạo diễn và 17 biên kịch. Quá trình chuẩn bị kéo dài tới tận cuối năm 1938 nhưng đến lúc tiến hành quay phim, “The wizard of Oz” vẫn rơi vào một chuỗi những rắc rối khi các đạo diễn nhanh chóng rời bỏ dự án, nam diễn viên Buddy Ebsen cũng bỏ việc vì bị dị ứng với lớp trang điểm bóng bẩy của nhân vật Tin Man.
Nữ diễn viên Margaret Hamilton thì bị bỏng trong một cảnh quay ở Munchkinland và đến chú chó trong phim cũng liên tiếp gặp phải chuyện xui xẻo. Ngay cả khi bộ phim đã hoàn thành thì trong buổi chiếu thử vào tháng 6/1939, “The wizard of Oz” cũng bị phàn nàn rằng thời lượng quá dài dòng và phải nhận nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực.
“Doctor Dolittle” (1967)
Bộ phim “Doctor Dolittle” dường như cũng hội tụ đủ mọi yếu tố để quá trình làm phim đi vào … ngõ cụt, với một ngôi sao khó tính (Rex Harrison), thời tiết tồi tệ hại, động vật khó thuần hoá, quay đi quay lại những cảnh tốn kém và địa điểm quay phim nghèo nàn.
Đặc biệt, các nhà sản xuất trong phim còn “chơi ngông” đến mức cho xây hẳn một đập nước nhân tạo ở làng Wiltshire, Castle Combe để làm bối cảnh phim, khiến cho chi phí làm phim lên tới hơn 17 triệu đô la, gấp đôi số doanh thu từ các rạp chiếu đem lại.
“Roar” (1981)
“Roar” thực sự là tác phẩm điện ảnh “nguy hiểm nhất thế giới” với chuyện phim kể về một nhà bảo tồn động vật và những tình huống sống còn mà gia đình ông phải đối mặt khi tới thăm nơi ông đang làm việc cùng nhiều loài động vật hoang dã.
“Roar” được sản xuất trong 11 năm và ngốn tới 17 triệu đô la nhưng điều may mắn nhất là không có bất cứ ai phải mất mạng trên phim trường. Tổng cộng có trên 70 thành viên của đoàn làm phim bị thương trong suốt quá trình quay. Nhà quay phim Jan de Bont đã bị tróc cả mảng da đầu bởi sự tấn công của một con sư tử hung hãn, nữ diễn viên Tippi Hedren cũng bị gãy chân và chấn thương ở da đầu bởi một chú voi. Cô con gái trong phim, Melanie Griffin chịu chung số phận và phải nhận 50 mũi khâu ở mặt. Noel Marshall cũng bị tấn công rất nhiều lần và hầu như toàn bộ phim đều là cảnh dàn diễn viên chạy trốn trong sợ hãi để tránh sự săn đuổi của những con thú.
“The Abyss” (1989)
Bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo điễn James Cameron nói về hành trình một nhóm thợ lặn tìm kiếm tàu ngầm mất tích và cả đoàn làm phim thường xuyên phải làm việc ở dưới mặt nước 30 feet. Một trạm cung cấp ôxy dưới nước đã được xây riêng cho đạo diễn Cameron và các diễn viên, giúp họ có thể làm việc liên tục khoảng 5 tiếng mỗi lần xuống nước. Ban đầu, khi độ pH trong bộ đồ lặn còn chưa chuẩn xác, các thành viên đoàn bị rụng hoặc đổi màu tóc và bỏng da do quá nhiều chất Clo.
Rất nhiều người đã gặp phải vấn đề về xoang và tai, hai diễn viên chính Ed Harris và Mary Elizabeth Mastrontonio thì rơi vào trạng thái suy kiệt thể chất. Đặc biệt, đoàn làm phim còn bị vắt kiệt sức lao động khi phải làm việc tới 70 giờ một tuần trong vòng sáu tháng trời và nhiều người đã lên tiếng chế giễu tên bộ phim “The Abyss” đáng lẽ phải sửa thành “The Abuse” (Sự ngược đãi).
“Titanic” (1997)
Sau “The Abyss”, James Cameron lại tiếp tục có một quá trình làm phim khắc khổ với “Titanic”. Là một trong những tác phẩm đắt đỏ nhất thế giới, bộ phim đã ngốn tới 40 triệu đô la Mỹ để xây dựng trường quay. Đoàn làm phim đã sản xuất hẳn một con tàu bằng kích cỡ tàu Titanic ngoài đời thực và hãng 20th Century thậm chí đã mua lại 162.000 m2 bờ biển Baha để dựng một bể nước khổng lồ với 17 triệu gallon nước.
Được đầu tư kỹ lưỡng nhưng “Titanic” vẫn liên tiếp dính phải sự cố khi các nhân viên trong đoàn phim bị ngộ độc khi ăn một lô tôm hùm ở Nova Scotia. Cảnh sát phải vào cuộc và phát hiện có kẻ đã tẩm ướp một loại thuốc gây ảo giác vào thức ăn. Nữ chính Kate Winslet thì không được mặc bộ đồ lặn đóng phim và kết quả là cô bị viêm phổi nặng. Thời gian làm phim bị kéo dài thêm 138 ngày và đạo diễn James Cameron cũng bồi hồi chia sẻ rằng: “Làm phim là một cuộc chiến tranh. Là một cuộc chiến lớn giữa kinh doanh và mỹ học”.
Dung Nhi
Theo BI