Khi bóng đá phong trào tại Việt Nam ngày càng phát triển, dân đá phủi nước ta cũng tìm đến những sự lựa chọn cao cấp hơn về trang phục thi đấu. Rất nhiều người đã sắm cho mình những đôi giày da hàng hiệu Adidas, Nike hay Puma giống như các thần tượng bóng đá của họ.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người chơi bóng nghiệp dư tại Việt Nam vẫn ưa chuộng sử dụng những đôi giày vải đã thành thương hiệu của dân chơi phủi nước ta. Những đôi giáy vải vừa êm ái, vẫn bảo vệ được đôi chân cầu thủ lại khá rẻ tiền khi so với các đôi giày hàng hiệu.
Từ năm 2010 trở về trước, khi phong trào đá bóng trên sân cỏ nhân tạo còn chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, hầu hết dân phủi ở Việt Nam đều sử dụng những đôi giày bata của công ty giày dép Thượng Đình. Mẫu giày này có ưu điểm phổ biến, dễ tìm mua và rẻ tiền, chỉ khoảng vài chục đến hơn trăm nghìn/đôi.
Tuy nhiên, mẫu giày này có đế bệt, ma sát kém nên không thích hợp để sử dụng trên mặt sân trơn trượt, rất dễ mất thăng bằng và dính chấn thương khi di chuyển với tốc độ cao. Tính ra, mẫu giày này thích hợp nhất để thi đấu trên sân bê tông có độ cứng và ma sát cao.
Về sau, hãng Thượng Đình cũng cho ra mắt sản phẩm giày vải có đế đinh để đáp ứng nhu cầu của người chơi bóng đá phủi về một sản phẩm rẻ tiền, đảm bảo cảm giác bóng tốt, nhưng vẫn có thể trụ vững trên sân khi hoạt động với tốc độ cao.
Về cơ bản, giày vải đinh sẽ được làm từ vải dệt để giúp người chơi có cảm giác bóng tốt và thật chân nhất. Đây là đánh giá chung của nhiều cầu thủ đá phủi tại Việt Nam. Nhưng khác với mẫu giày bata, đế giày đinh vải sẽ có đinh nhựa để chống trơn trượt và giúp cầu thủ trụ vững trên sân.
Đinh của giày vải thường là đinh tròn, to và dài khoảng 1cm. Khác với các loại đế giày khác như giày AG, HG hay TF, đinh ở đế giày vải sẽ tập trung đầu và cuối giày. Nếu là đinh loại to sẽ có khoảng hơn 10 đinh, nếu là đinh nhỏ sẽ có khoảng hơn 30 đinh.
Phần đế giày thường được lót một lớp mút xốp và vải mỏng được dính lại bằng keo tổng hợp, nhìn chung dễ bong tróc sau một thời gian thi đấu liệc tục, hoặc thường xuyên vệ sinh giày bằng nước tẩy rửa. Ngoài ra, vết khâu của giày vải đinh cũng không được bền, có những trường hợp sứt chỉ ngay trong thời gian thi đấu.
Một số trường hợp khác có giày bị rách do lớp vải giày khá mỏng để tạo cảm giác bóng tốt, nhưng không chịu được lực tác động lớn. Đây cũng là điều dễ hiểu khi giày vải đinh thuộc phân khúc giày bóng đá giá rẻ, khó có thể đòi hỏi vừa có độ bền, vừa có cảm giác bóng tốt.
Mặc dù vậy, giày vải đinh vẫn nhận được sự yêu thích của rất nhiều dân phủi tại Việt Nam với tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”. Chỉ với 80.000 – 120.000 đồng, chúng ta đã có thể sở hữu một đôi giày vải đinh thi đấu trong khoảng 3-4 tháng với tần suất khoảng 2 trận/1 tuần.